Dịch vụ thuê xe du xuân hốt bạc

Dự định cuối tuần sau, cả gia đình sẽ về Hưng Yên để mừng thượng thọ bà bác họ nhưng đến giờ, chị Nguyễn Thanh Hà, sống ở đường Tam Trinh, Hà Nội vẫn chưa thuê được xe ôtô. Chị kể, 3 hôm nay, chị đôn đáo gọi điện đặt lịch, khảo giá không dưới 5 nơi song chỗ nào cũng báo loại xe chị cần vào ngày hôm đó đã hết. Thậm chí, linh động đổi nhu cầu từ 12 chỗ sang 16 chỗ, chị Hà vẫn bị từ chối vì những dòng đó đều “cháy” hàng.

“Còn gần 10 ngày nữa, mình cứ nghĩ thuê xe bây giờ là sớm, không ngờ lại khó như vậy. Mình đang mang bầu nên cả nhà không đồng ý đi xe khách”, chị Hà chia sẻ. Theo đó, được các chủ xe gợi ý chuyển sang những dòng sản phẩm khác, chị Hà đành đồng ý thuê 2 chiếc ôtô 7 chỗ, chịu giá cao hơn một chiếc 12 chỗ khoảng 700.000 đồng.

Tìm thuê xe cho cả công ty đi lễ chùa Bái Đính, Ninh Bình dịp đầu xuân, chị Quỳnh Hương, nhân viên hành chính của công ty buôn bán thiết bị phần mềm ở Lê Thanh Nghị, Hà Nội cũng phải đặt trước cả nửa tháng. Chị Hương chia sẻ, có kinh nghiệm nhiều năm làm việc này, thêm mối quen biết với các trung tâm cho thuê xe nên chị không quá khó khăn, song vẫn phải chịu mức giá khá đắt.

Chị thông tin, hầu hết cho địa chỉ cho thuê xe hiện nay không nhận trọn gói theo chuyến, địa điểm như trước mà báo giá theo km. Cũng bởi vậy mà doanh nghiệp của chị Hương phải đầu tư thêm gần 2 triệu đồng cho 3 chiếc ôtô 24 chỗ. “Với 100 cây số, năm ngoái mình thuê có 2,5 triệu đồng một cái, bao gồm cả chiều đi và về, nhưng nay là 15.000 đồng một km nên giá thành 3 triệu đồng”, chị Hương cho hay.

Chị Nguyễn Hồng Vân, chủ cơ sở cho thuê xe trên phố Trần Khát Chân, Hà Nội cho biết, đa phần các đơn vị kinh doanh dịch vụ này hiện nay đều áp dụng phương thức tính giá theo km. Mục đích là để tránh tiền thất thoát ngoài hợp đồng và khách trả xe đúng hẹn. Chị Vân giải thích thêm, đầu năm là thời điểm người mướn xe rất đông. Ôtô có lái thường xuyên trong tình trạng cạn hàng. Trong khi đó, nếu vị khách nào cũng tranh thủ trên đường đi tạt qua một vài điểm thì chị rất khó để giao xe đúng giờ cho người mướn sau đó.

“Khách đi Ninh Bình rồi thấy còn sớm, tạt đến Tràng An chơi vài giờ, ‘làm giá’ với tài xế thì mình khó kiểm soát và điều phối xe. Tốt nhất cứ thỏa thuận rõ giá km bắt đầu di chuyển, kết thúc hành trình, nhân với giá mỗi cây số để thành tiền”, chị Vân nói. Theo đó, trong trường hợp khách có nhu cầu kéo dài thời gian mượn xe, nhân viên sẽ điện thoại về cơ sở để chị kịp linh hoạt sắp xếp.

Hiện nay, giá thuê ôtô có lái 12-24 chỗ có giá dao động 9.000 – 15.000 đồng cho một km, dịp cuối tuần, giá đắt hơn 4.000 – 5.000 đồng. Trong đó thời gian chờ theo giờ là khoảng 20.000 – 35.000 đồng, tùy thời điểm. Riêng các loại xe tự lái được cho thuê với giá từ một triệu đồng đến hơn 2 triệu đồng 12 tiếng, phụ thuộc vào hãng xe, số chỗ và ngày giờ đi, xăng xe do khách tự đổ.

Tuy nhiên, để thuê được một chiếc tự lái tại thời điểm này, người tiêu dùng cũng không dễ dàng như các tháng bình thường. “Khi khách đặt nhiều thì nhà xe cũng kén hơn, ngoài chứng minh thư, bằng lái xe, khách còn phải đặt cọc 5-10 triệu đồng theo hợp đồng, thời gian chờ duyệt cũng lâu hơn khoảng một đến 2 ngày”, anh Nguyễn Nam Khánh, phụ trách kinh doanh của công ty cho thuê xe trên phố Trần Quang Khải cho biết.

Anh Khánh cho hay, mức giá như trên cao hơn so với những tháng bình thường khoảng 200.000 – 500.000 đồng mỗi chặng. Tình trạng này được anh dự báo sẽ kéo dài đến hết tháng Giêng. Ngoài lý do nhu cầu của khách đặt hàng tăng cao, các nhà xe đều tính chênh giá bù vào khoản bảo trì, bảo dưỡng do xe phải chạy nhiều. Thậm chí, vào những ngày cao điểm, giá tại một số cơ sở còn bao hàm tiền môi giới “kéo” xe từ những đơn vị khác. Qua mỗi cầu, giá có thể bị đội lên 100.000 đồng với xe không lái và 500 – 1.000 đồng mỗi km với xe có tài xế.

Chủ một cơ sở cho thuê xe 4-45 chỗ ở đường Láng, Hà Nội chia sẻ, từ hôm mùng 3 Tết đến nay, 80% số xe của công ty luôn trong tình trạng có khách đặt sẵn, 20% còn lại luôn được anh dự phòng để đáp ứng khách thuê sát ngày, sẵn sàng chi giá cao hay huy động phục vụ hợp đồng đã ký trong trường hợp xe chưa kịp về đến gara. Chủ kinh doanh này bật mí, thu nhập thời điểm này gấp đôi so với các tháng trong năm, phần lớn được anh dành để tái đầu tư xe mới và nâng cấp, bảo dưỡng xe đang hoạt động.

Theo anh, sát và sau Tết, khách thuê xe đi chơi, lễ chùa, về quê rất nhiều, nhất là khi trời rét và mưa phùn. Do vậy, nếu khách hàng có kế hoạch mướn ô tô thì nên liên hệ sớm khoảng 15-20 ngày để các cơ sở kinh doanh dễ huy động, người thuê cũng không phải chịu giá cao.

“Nếu có việc đột xuất hay không thuê được xe, mà chỉ đi lại trong ngày thì khách có thể đi taxi 2 chiều, giá cũng không quá đắt vì được khấu trừ phần trăm chặng về. Tuy nhiên, người tiêu dùng không nên chọn taxi dù vì cung đường xa và tốt nhất là liên hệ đặt xe sớm vì loại có lái, tự lái hay taxi tại thời điểm này đều đông khách”, chủ nhà xe nói.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *